Văn hóa - giải trí Phường 2, Vũng Tàu

Cơ sở thờ tự

Niết Bàn Tịnh Xá

Phường 2 nổi tiếng với rất nhiều cơ sở thờ tự của nhiều tôn giáo khác nhau. Xung quanh chân núi Nhỏ có rất nhiều chùa và thiền viện Phật giáo. Trên đỉnh Nghinh Phong của Núi Nhỏ là tượng đài Chúa Kitô Vua.

  • Linh Sơn Cổ Tự, tọa lạc tại số 104 Hoàng Hoa Thám, là ngôi chùa có lịch sử lâu đời. Nguyên thủy chùa được mở năm 1919 trên sườn Núi Nhỏ, sau được dời về đây năm 1959. Trong chùa đang lưu giữ tượng Phật Thích Ca được chế tác từ đá sa thạch vào thế kỷ VII. Theo tương truyền, ngư dân miền Trung khi đang nhặt củi trên sườn núi Bãi Dâu đã phát hiện 2 pho tượng bị vùi lấp. Họ cùng đào lên và xin lễ đem về. Dân làng Thắng Tam đã tới thương lượng và đưa bức tượng lớn hơn đem về Linh Sơn Cổ Tự.[5]
  • Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, số 68 Hạ Long. Đền thờ được khởi công xây dựng năm 1955 và đến năm 1957 thì hoàn thành.
  • Niết bàn Tịnh xá, số 66/7 Hạ Long. Chùa do Hòa thượng Thích Thiện Huê xây dựng từ năm 1969 đến 1974 trên triền Núi Nhỏ nhìn xuống Bãi Dứa. Đây là một công trình đồ sộ gồm nhiều dãy nhà, diện tích gần 10.000m2. Trong điện phật tôn trí một pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết Bàn lớn dài 12m. Trên lầu 2 của chùa có trưng bày chiếc thuyền bát nhã được đắp nổi, chạm khắc công phu.
  • Miếu Bà: là một ngôi miếu nằm trên Hòn Bà, một đảo đá nhỏ gần chân dốc Thùy Vân. Miếu do một hương chức của làng Thắng Tam xây dựng vào năm 1781 để thờ bà Thủy Long Thần Nữ - một nữ thần trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Năm 1939, một sĩ quan người Pháp tên Archinard đã ra lệnh nã 3 phát đại pháo vào miếu nhưng chỉ có 1 phát trúng vào góc miếu, làm miếu bị hư hại. Ly kỳ là vài ngày sau đó, viên sĩ quan Archinard lại bỏ mạng tại Miếu Bà do sử dụng súng bất cẩn. Điều đó khiến thực dân Pháp tin rằng Miếu Bà hiển linh và không phá hoại miếu. Sau cái chết ly kỳ của viên sĩ quan Pháp, người Pháp gọi đảo Hòn Bà là đảo Archinard (tên của viên sĩ quan). Trong khi người dân Vũng Tàu vẫn gọi đảo là đảo Hòn Bà, Miếu Hòn Bà. Mãi cho đến năm 1971, Miếu Bà được một người tên là Thanh Phong, người gốc Trà Vinh đứng ra quyên góp tiền để trùng tu, sửa sang lại miếu. Sau khi trải qua nhiều lần sửa chữa, Miếu Bà đã trở nên đẹp hơn, khuôn viên miếu được xây dựng và mở rộng, có cổng và con đường đá từ chân đảo lên Miếu Bà. Trong miếu vẫn thờ bà Thủy Long thần nữ và một số thần linh của người dân biển Vũng Tàu.
  • Tượng chúa Kitô Vua.
Mũi Nghinh Phong

Bãi tắm

  • Bãi Dứa là một bãi biển nhỏ nằm ở đoạn đường Hạ Long gần đến Mũi Nghinh Phong. Bãi còn có tên khác là Lãng Du. So với nhiều bãi biển khác, Bãi Dứa có diện tích khá nhỏ lại có nhiều ghềnh đá dài, gồ ghề.
  • Bãi Ô Quắn: bãi tắm ở phía đông của Mũi Nghinh Phong.
  • Bãi Thùy Vân.

Giải trí

Nhà văn hóa Thanh niên tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là một trung tâm sinh hoạt văn hóa lớn của thành phố, do Tỉnh đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu quản lý và điều hành.